HRA- Hội thảo thường niên “Quản trị và phát triển nhân tài” (26/10/2019)

“Mỗi người là một thiên tài. Nhưng nếu bạn cứ phán xét một con cá dựa trên khả năng biết trèo cây, bạn sẽ làm con cá sống cả đời với niềm tin rằng nó là kẻ ngốc” – Albert Einstein
Đã đến lúc các nhà quản lý cần nghiên cứu và tiếp cận với phương pháp quản lý nhân tài dựa trên thế mạnh, biến quản lý nhân tài dựa trên thế mạnh là một phần của văn hóa doanh nghiệp.
Những người có cơ hội hàng ngày được làm những gì mà họ làm tốt nhất sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và thành công hơn. Cách tiếp cận dựa trên thế mạnh để quản lý nhân tài cho thấy giá trị của việc nhấn mạnh các điểm mạnh và áp dụng những điểm mạnh đó vào thực tiễn sẽ giúp nhân viên xác định, sử dụng và phát triển thế mạnh của mình trong công việc.
Đây cũng là mộ trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp và tổ chức hiện nay trong cuộc chiến thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các tổ chức cần xác định nhận diện được điểm mạnh và thế mạnh tiềm năng của Nguồn nhân lực, khai thác hiệu quả năng lực vượt trội của đội ngũ nhân sự từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh của tổ chức một cách tối ưu nhất.
Vậy quản lý nhân tài dựa trên thế mạnh cần thực hiện các bước như thế nào?
Hội thảo thường niên của HRA với chủ đề “Quản trị và phát triển nhân tài” được tổ chức vào ngày 29/09/2019 đã thu hút hơn 200 thành viên tham dự đến từ các đối tác đồng hành, các nhà tài trợ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những nhà quản lý nguồn nhân lực và hơn 100 thành viên HRA quan tâm tham dự.
Mở đầu chương trình là màn khởi động vô cùng hào hứng với sự tham dự nhiệt tình của những người tham gia hội thảo lan tỏa lẫn nhau những luồng năng lực tích cực để thư giãn và vui vẻ trước khi bước vào hội thảo
Mở đầu chương trình Hội thảo, diễn giả Lauren Huntington đến từ SHL Singapo đã chia sẻ công cụ đo lường các năng lực để có thể nhận diện được thế mạnh của đội ngũ nhân sự – Khung năng lực UCF.
Khung năng lực phổ quát (UCF) là một khung xây dựng cơ bản duy nhất cung cấp các cơ sở hợp lý, nhất quán và thực tế để hiểu về hành vi của con người trong công việc.
Khung năng lực UCF đã được phát triển hơn 1000 mô hình, và được triển khai hơn 300 mô hình cụ thể cho khách hàng tại hơn 25 lãnh thổ quốc gia trên toàn cầu.
Các khách tham dự hội thảo cũng đã được làm bài tập nhóm và được hướng dẫn thực hành sử dụng bộ thẻ khung năng lực để nhận diện được thế mạnh của cá nhân và các ứng dụng của bộ thẻ trong QTNS tại doanh nghiệp, tổ chức. Và việc quản trị nhân tài dựa vào thế mạnh sẽ có những ưu điểm vượt trội so với các công cụ, phương pháp trước đây, giúp doanh nghiệp dễ dàng phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, việc ứng dụng như thế nào để đạt được hiệu quả trong từng doanh nghiệp nó phụ thuộc bởi rất nhiều yếu tố, từ yếu tố văn hóa doanh nghiệp cho đến những phản hồi, trách nhiệm của các cá nhân tham gia quá trình này. Do đó, các học viên có thể linh hoạt vận dụng các nguyên tắc, phương pháp chung để phù hợp với tổ chức của mình nhất.
Đầu giờ chiều, sau màn flashmob sôi động, trẻ trung, các thành viên tham dự Hội thảo được lắng nghe ông Trần Đình Dũng – Giám đốc R&D của Công ty L&A chia sẻ các công cụ giúp đo lường năng lực nhân viên. Hiện nay, nhiều công cụ giúp đo lường năng lực nhân viên đã được sử dụng để bổ nhiệm nhân sự hiệu quả. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để đánh giá đúng và chính xác, chúng ta cần phải đo lường cả hành vi có ý thức và vô thức của con người. Đáp ứng được điều kiện này, FinxS (tiền thân là Extended DISC®) giúp cung cấp thông tin có ích hơn về hành vi và tính cách của con người trong tổ chức. FinxS hiện đang được sử dụng bởi các công ty hàng đầu trên thế giới, giúp thu hút & giữ chân người tài, củng cố quan hệ nội bộ, ra các quyết định hiệu quả và nhiều công năng khác. Ông Dũng cũng chia sẻ một số báo cáo mẫu về kết quả đánh giá năng lực khi sử dụng công cụ này nhằm giúp các khách tham dự hiểu rõ hơn về công cụ và tính hữu ích của nó.
Sau ông Dũng, bà Phạm Thị Mỹ Lệ – Chủ tịch HĐQT Le & Associates chia sẻ thêm về phương pháp phát triển lãnh đạo bằng cách bồi dưỡng thêm cho các điểm mạnh đã có thay vì khắc chế điểm yếu của một con người (trừ khi điểm yếu đó thuộc diện “chí tử”) theo công cụ đánh giá của Zenger Folkman.
Bà Lệ chia sẻ dữ liệu của Zenger Folkman cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng khi các nhà lãnh đạo đưa ra phản hồi tích cực nhiều hơn tiêu cực, họ được đánh giá là nhà lãnh đạo hiệu quả hơn, phản hồi có ảnh hưởng đến sự nhiệt tình và động lực làm việc của nhân viên.
Các khách tham dự hội thảo được trải nghiệm bài test về năng lực Lãnh đạo táo bạo và phương pháp phát triển điểm mạnh dựa trên Lãnh đạo táo bạo. Đây là công cụ tưởng chừng như khá quen thuộc như đánh giá năng lực nhân viên nhưng cách thức, sự tập trung về điểm mạnh là chủ yếu chính là sự khác biệt lớn nhất giữa quản trị nhân tài dựa vào khung năng lực so với dựa vào thế mạnh.
Hội thảo cũng được lắng nghe những chia sẻ từ thực tiễn của Vinmart+, Ngân hàng Standard Charter. Đây đều là những kinh nghiệm quý báu giúp cho các thành viên, khách mời tham dự hội thảo có thể đánh giá, lựa chọn những giải pháp triển khai phù hợp tại đơn vị của mình.
Ban Tổ chức xin chân thành cảm ơn các diễn giả và sự đồng hành của các tổ chức: OOC – digiiMS Solutions, Bệnh viện Việt Pháp; các nhà tài trợ SHL, Le & Associates (L&A), 1Office, RGF, Sao Khuê, Hà Nội Sun Travel … đã luôn sát cánh, ủng hộ HRA để tổ chức thành công các sự kiện có ý nghĩa dành cho các nhà Quản lý và những người làm nghề nhân sự.
Chúng tôi vô cùng biết ơn và trân trọng hội viên HRA yêu quý cùng toàn thể các thành viên tham dự đã cùng HRA trải nghiệm ngày hội thảo rất bổ ích, cập nhật các kiến thức và kỹ năng liên quan đến quản trị và phát triển nhân tài – là xu hướng mới trong lĩnh vực quản trị nhân sự.
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận