Vai trò của quản trị nguồn nhân lực
Khái niệm quản trị nguồn nhân lực (NNL) đang dần thay thế cho quản trị nhân sự bởi quan điểm chủ đạo sau: Con người không đơn thuần chỉ là một yếu tố của quá trình sản xuất kinh doanh mà là một nguồn tài sản quý báu của tổ chức, doanh nghiệp (DN). Các DN chuyển từ tình trạng “tiết kiệm chi phí lao động để giảm giá thành” sang “đầu tư NNL để có lợi thế cạnh tranh hơn, lợi nhuận cao hơn và hiệu quả hơn”.
Từ quan điểm này, quản trị NNL được phát triển trên cơ sở của các nguyên tắc chủ yếu sau:
Thứ nhất, nhân viên cần được đầu tư thỏa đáng để phát triển các năng lực riêng, nhằm thỏa mãn các nhu cầu cá nhân, đồng thời tạo ra năng suất lao động, hiệu quả làm việc cao và đóng góp tốt nhất cho tổ chức.
Thứ hai, các chính sách, chương trình và thực tiễn quản trị NNL cần được thiết lập và thực hiện sao cho có thể thỏa mãn cả nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân viên.
Thứ ba, môi trường làm việc cần được thiết lập sao cho có thể kích thích nhân viên phát triển và sử dụng tối đa các kỹ năng của mình.
Thứ tư, vấn đề chức năng nhân sự cần được thực hiện phối hợp và là một bộ phận quan trọng trong chiến lược kinh doanh của DN.
Thứ năm, nhiệm vụ quản trị con người là của tất cả các quản trị gia, không còn đơn thuần của trưởng phòng nhân sự hay tổ chức cán bộ.
Thứ sáu, quản trị NNL là nhằm đảm bảo đúng số lượng, trình độ và kỹ năng phù hợp, đúng nơi, đúng lúc.
Xu hướng quản trị nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số
Ngày nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong cách quản lý, điều hành cũng như phát triển của DN. Điều này tác động trực tiếp đến xu hướng phát triển trong quản trị NNL ở mỗi công ty trong thời đại kỷ nguyên số. Theo nhiều nghiên cứu, hiện có 10 xu hướng quản trị NNL đã, đang và sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Cụ thể gồm:
(i) Xây dựng tổ chức của tương lai: Tốc độ của sự thay đổi và áp lực liên tiếp trong thời đại 4.0 khiến các chuyên viên nhân sự nhận ra rằng, việc xây dựng tổ chức của tương lai là một thách thức. Do vậy, cần phải thiết kế lại một tổ chức mới nhằm tích cực xây dựng các mạng lưới và hệ sinh thái thuộc tổ chức, trong đó, sự nhạy bén đóng vai trò trung tâm trong tổ chức của tương lai.
(ii) Sự nghiệp và học tập luôn song hành cùng nhau: Xu hướng này thúc đẩy các DN hướng tới những trải nghiệm học tập xuyên suốt, cho phép nhân viên xây dựng các kỹ năng nhanh chóng, dễ dàng và phù hợp với khả năng riêng của họ. Khảo sát cho thấy, sự nghiệp và học tập tăng lên vị trí thứ 2 về mức độ quan trọng với 83% các chuyên viên nhận định “quan trọng hoặc rất quan trọng”.
(iii) Thu hút nhân tài – Tập trung vào kinh nghiệm của ứng viên: Thu hút nhân tài hiện đã trở thành thử thách quan trọng xếp thứ 3 mà các DN phải đối mặt. Tuy nhiên, quy trình tuyển dụng ứng viên của các DN hiện nay đã thuận tiện và chất lượng hơn, thông qua mạng xã hội, số liệu phân tích và các phần mềm quản trị, DN tích hợp khả năng nhận thức để tìm kiếm nhân sự theo một cách mới; từ đó, quyết định người sẽ phù hợp với công việc, đội nhóm và công ty.
(iv) Chú trọng trải nghiệm của nhân viên đối với công ty: Văn hóa DN và sự gắn kết là các yếu tố tạo nên trải nghiệm của nhân viên ở công ty. Trong kỷ nguyên mới, các DN đang chú trọng nâng cao trải nghiệm của nhân viên, ngay từ lúc tiếp xúc lần đầu giữa ứng viên và nhà tuyển dụng, cho đến những hoạt động nội bộ, chính sách phúc lợi, thậm chí áp dụng chỉ số đo lường sự hài lòng của khách hàng cho nhân viên của mình.
(v) Quản lý hiệu quả làm việc: Hiện nay, nhiều công ty đang giảm sự tập trung vào việc thẩm định, thay vào đó là chú trọng đào tạo và lắng nghe phản hồi, triển khai những khuôn mẫu làm việc mới trên quy mô lớn hơn. Hướng tiếp cận mới trong quản trị hiệu suất làm việc của DN đã góp phần gia tăng hiệu suất làm việc và thay đổi văn hóa đoàn thể.
Nguồn:tapchitaichinh.vn