Bài viết được chia sẻ bởi Chị Vũ Thị Mai Thu (Nguyên Chủ tịch HRA)
Gặp các “bà mối”
Đầu tháng 10 năm 2013, một hội viên của HRA tên là Hà Thanh An đã gọi điện thoại hỏi tôi xem có muốn gặp chị Kyoko Yamazaki, Director of Japan Society for Human Resource Management – thành viên của Asia Pacific Federation of Human Resource Management (APFHRM) để tìm hiểu và kết nối với họ không. Tôi đồng ý ngay. Rồi An đã hẹn với chị Kyoko và báo trước cho tôi thời gian, địa điểm gặp.
Ngày 9 tháng 10 năm 2013, An và tôi đã gặp Kyoko. Chị ấy cũng là cô giáo của An, đang sang Việt Nam giảng dạy về HRM trong trường Đại học Ngoại Thương (ĐHNT). Thế nên, để thuận tiện cho chị ấy, chúng tôi đã gặp nhau tại ĐHNT. Cuộc gặp ngắn vì chị Kyoko còn có lớp học ngay sau đó. Chị ấy đã rất hào hứng, chăm chú nghe và cuối cuộc gặp đã nói sẽ giới thiệu HRA và tôi – Chủ tịch HRA với APFHRM. Ngày 10 tháng 10 chị ấy đã email giới thiệu rất nhiệt tình và tốt đẹp về HRA và ấn tượng về tôi với chị Lyn Goodear -Tổng Thư ký APFHRM, cc cho tôi. Thật biết ơn hai “bà mối” Hà Thanh An và Kyoko Yamazaki trong việc mai mối HRA và APFHRM.
Xúc tiến, chuẩn bị cho sự kiện quyết định tại Chile
Ngay sau email giới thiệu của chị Kyoko, tôi đã gửi email cho chị Lyn giới thiệu kỹ hơn về HRA, bày tỏ nguyện vọng HRA muốn trở thành hội viên APFHRM. Qua một số email, tôi đã được Lyn ủng hộ và tận tình tư vấn. Gần hai tháng sau, Lyn đã xin được ý kiến của Chủ tịch APFHRM và hồi âm cho tôi: APFHRM muốn HRA thành hội viên. Thế là tôi đề nghị Nguyễn Thị Bích Liên – Chủ tịch HRA hiện nay, lúc đó là Phó Chủ tịch HRA: nghiên cứu kỹ rồi trình bày trong cuộc họp tiếp theo của Ban Điều hành (BĐH): nếu là hội viên của APFHRM thì HRA phải có những nghĩa vụ gì. Liên đã làm rất tốt việc đó: phân tích chi tiết từng và toàn bộ yêu cầu của APFHRM đối với hội viên. Trong cuộc họp BĐH tiếp theo, khi bàn về nội dung này, có vài thành viên rất lo ngại về một số nghĩa vụ khi HRA trở thành hội viên. Ví dụ: Ai cam kết dành thời gian đi họp định kỳ với APFHRM, tiền chi trả cho các chuyến đi đó lấy từ đâu? Cuối cùng tôi phân tích thế này: Nếu HRA không chớp thời cơ này để gia nhập thì một tổ chức HR khác của Việt Nam, ví dụ V*** rất có thể sẽ gia nhập. (Thực tế sau đó đúng như tôi phán đoán: V*** đã gửi Application cho APFHRM để xin gia nhập. APFHRM đã gửi thông tin đó cho tôi và đề nghị HRA cung cấp thêm thông tin để họ trả lời V***. Nhưng vì quy định của APFHRM là mỗi nước chỉ có một tổ chức HR được là hội viên của APFHRM mà thôi, nên V*** đã không được chấp nhận). Trong cuộc họp BĐH trên tôi đặt tiếp câu hỏi cho các thành viên tham gia: Nếu có một tổ chức HR của Việt Nam đã gia nhập APFHRM rồi thì HRA sẽ thế nào? Xin họ để sáp nhập để cùng là hội viên? Liệu tổ chức HR đó có đồng ý không? Hay là thôi HRA không hội nhập với khu vực, với thế giới nữa? Suy nghĩ một hồi, các thành viên BĐH biểu quyết. Kết quả là thống nhất: HRA sẽ làm đơn gia nhập, Chủ tịch sẽ là đại diện của HRA trong APFHRM và giao cho Bích Liên soạn hồ sơ (Application). Liên đã soạn hồ sơ dự thảo đầu tiên tốt và khá đầy đủ, gửi qua email để mọi thành viên BĐH cho ý kiến. Trong bộ hồ sơ, chúng tôi cho rằng cần có các Thư ủng hộ (Letters of support). Thế là Liên đã làm việc để có Letter of support từ ACCA – đối tác của HRA lúc đó. Còn tôi thì soạn sẵn thư ủng hộ bằng tiếng Việt và tiếng Anh, gửi cho anh Phùng Quang Huy, VCCI – đối tác thường xuyên hợp tác với HRA, để anh ấy duyệt và ký. Sau đó Liên đã tập hợp ý kiến của các thành viên BĐH. Rồi Nguyễn Thế Vinh, Bình Hà và tôi đã xem lại, rồi cùng Liên hoàn thiện Application để BĐH phê duyệt. Tất cả chỉ khoảng một tháng – tốc độ và kết quả đó là cố gắng cao nhất của những thành viên BĐH đều có việc làm toàn thời gian, chỉ dành cho HRA buổi tối, đêm và thời gian nghỉ của mình. Riêng tôi đã ưu tiên dành nhiều thời gian nhất có thể cho HRA, kể cả trong giờ làm việc khi cần.
Ngày 3/3/2014 tôi gửi Application của HRA cho chị Lyn. Rồi tôi và Liên đã phải trả lời tiếp nhiều câu hỏi của Lyn và Chủ tịch APFHRM qua email. Sau đó HRA đã nhận được lời mời đi dự họp APFHRM ở Wellington, New Zealand. Tuy nhiên BĐH suy xét và quyết định không cử ai đi họp cuộc đó mà lựa chọn kỳ họp tiếp theo vì biết là được phép làm vậy. Thế rồi tháng 9 năm 2014, với tư cách là Chủ tịch HRA, tôi nhận được Thư mời của APFHRM đi họp ở Santiago, Chile, đồng thời cũng nhận được thư mời dự World Human Resource Congress (Đại hội Nguồn nhân lực Thế giới – WHRC), cùng ở một nơi. BĐH thống nhất cử tôi đi Chile họp APFHRM Annual Meeting, quan trọng nhất là cần thuyết trình để APFHRM xem xét, công nhận HRA là hội viên; đồng thời tham dự WHRC. Thời gian cả đi, cả họp, cả dự WHRC và về sẽ là 8 ngày. Chưa kể thời gian chuẩn bị nội dung và mọi việc cần thiết khác có liên quan.
Tài liệu cần nghiên cứu trước cuộc họp rất nhiều, rất mới nên tôi phải tra cứu, tìm hiểu qua website của APFHRM và hỏi Lyn những gì không thể tự tìm được. Thêm nữa tôi phải chuẩn bị bài trình bày (Presentation) bằng tiếng Anh, nhờ Mạnh (tác giả của tên HRA ghép từ tên hội viên lúc đó) lồng nhạc. Nhưng hỡi ôi, khi tôi trình bày thật tại cuộc họp thì nhạc lại câm!), rồi tự tập dượt trước cho ấn tượng và ngắn nhất có thể. Lại còn cần làm Viet Nam Country Report bằng tiếng Anh để nộp trước và trình bày trong cuộc họp. Việc này đã phải nhờ cả anh Đào Trọng Khang, Đỗ Yến giúp sức. Chưa kể việc tôi phải chọn mua vé máy bay rẻ nhất, đặt phòng khách sạn rẻ nhất trong các khách sạn mà Ban Tổ chức WHRC đề nghị (chứ không thể muốn ở đâu cũng được). Tôi đã khảo sát giá của các khách sạn đó trên booking.com. Cuối cùng tôi đã chọn đặt phòng ở Grand Hyatt Santiago Hotel, giá chỉ có 90USD/đêm (khoảng 50% giá công khai) – có thể do lỗi gì đó của hệ thống booking.com vào thời điểm tôi đặt phòng. (Về sau đại diện của các nước khác biết giá phòng của tôi đều thốt lên: Sao rẻ thế! Khách sạn cũng nói là do lỗi của booking.com, nhưng tôi vẫn kiên quyết chỉ trả 450USD cho 5 đêm theo khẳng định của booking.com, khách sạn đành chấp nhận). Vậy là tôi tiết kiệm được khoảng 450 USD tiền phòng. Tôi cũng nhờ đại lý vé máy bay quen nên mua vé rẻ hơn gần 250USD so với tìm kiếm trước đó của Lê Lan Hương – Trưởng Ban Tài chính, Hành chính. Thế là riêng hai khoản trên tôi đã tiết kiệm được gần 700USD cho HRA. Tôi vui sướng lắm! (đúng kiểu con nhà nghèo!).
Trở thành hội viên của APFHRM và WFPMA
Tôi đã bay đi Chile vào đêm 11/10/2014 vì lịch họp vào chiều 13/10. Sau 50 tiếng kể từ khi rời nhà (đi ra sân bay, làm thủ tục, chờ và bay ba chuyến (3 flights: Hà Nội – Inchion; Inchion – Dallas; Dallas – Santiago), chờ ô tô Ban Tổ chức đón về khách sạn), tôi mới check in được vào khách sạn ở Santiago, lúc đó khoảng 11h trưa 13/10. Trước khi đi mọi người hỏi: đeo đai lưng thế liệu có đủ sức bay xa thế không? May quá, bước đầu đã ổn. Tôi đã ngủ lơ mơ được khoảng 4 tiếng trong lúc đợi bay từ Mỹ đến Chile (tôi không bao giờ ngủ được trên máy bay). Khi xếp hàng check in và chờ nhận hành lý tại sân bay Santiago, Chile tôi quan sát xung quanh thấy mỗi mình là người Châu Á, còn đại đa số là người Châu Mỹ.
Cuộc họp APFHRM Annual Meeting bắt đầu từ 15h ngày 13/10/2014, ở một khách sạn khác, nên tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, kể cả trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam (chính áo dài tôi cố tình mặc trong chiều 11/8, tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập HRA). Cuộc họp kéo dài đến tận 22h vì rất nhiều nội dung. Tôi đã trình bày trước 11 thành viên của APFHRM: Viet Nam Country Report 5 phút, trả lời các câu hỏi 5 phút; giới thiệu về HRA (Presentation) 15 phút, trả lời các câu hỏi 10 phút. Cựu Chủ tịch của APFHRM nhận xét: bài trình bày rất đầy đủ. Nhiều người nói: “HRA nhiều nữ thế!” Có người lại hỏi: “Có phải phụ nữ Việt Nam rất quyền lực không?” Tôi trình bày xong, lập tức ông Chủ tịch của APFHRM – Ernie Espinosa đã đứng dậy ngay, ra khỏi chỗ ngồi, lên tận nơi bắt tay tôi, nồng nhiệt chúc mừng và đề nghị các thành viên khác công nhận HRA là thành viên, không cần thời gian thử thách. (Qui định của APFHRM là phải có thời gian thử thách). Tôi quá bất ngờ, xúc động và hạnh phúc đến rưng rưng. Tôi đã quên cả mệt và đói (sau chuyến đi dài nhất của mình từ trước tới giờ và cả ngày chưa ăn gì). Ông Chủ tịch APFHRM – Ernie Espinosa, người Philippines tỏ ra rất cảm tình với Việt Nam. (Vài năm sau, được biết qua email là ông ấy bị ung thư và hoàn cảnh rất khó khăn, nên Chủ tịch kế nhiệm của APFHRM đã kêu gọi các hội thành viên ủng hộ ông ấy. Nhưng HRA không có nhiều tiền, cũng không thể chuyển ngoại tệ ra nước ngoài với lý do giúp đỡ cá nhân, nên BĐH đã không làm được gì. Tôi buồn và tiếc về điều này.)
(Ảnh: Chị Vũ Thị Mai Thu – Chủ tịch HRA bấy giờ)
Vậy là nhờ những đóng góp và ảnh hưởng của HRA trong 10 năm cho sự phát triển của đội ngũ làm nghề nhân sự chuyên nghiệp của Việt Nam và cố gắng to lớn của các thành viên BĐH HRA đã chuẩn bị chu đáo để có Application, Vietnam Country Report và của tôi với bài thuyết trình và trả lời các câu hỏi tại chỗ của mình, nên APFHRM đã công nhận HRA là thành viên chính thức. Đến nay, HRA vẫn là đại diện duy nhất của Việt Nam trong APFHRM, cùng hàng ngũ với 16 thành viên là các tổ chức quản trị nguồn nhân lực – đại diện của 16 quốc gia thuộc Châu Á, Thái Bình Dương. Theo đó, HRA đồng thời là thành viên của World Federation of People Management Associations – WFPMA, vì APFHRM là thành viên của WFPMA – hiện có hơn 90 hội viên là các Hội, Hiệp hội Quản trị Nguồn nhân lực của 90 quốc gia, rải khắp các châu lục, với hơn 660.000 người hành nghề quản trị nguồn nhân lực chuyên nghiệp.
(Ảnh: Đại diện của các tổ chức là Thành viên của APFHRM bấy giờ, Chile 2014)
Hôm sau, 14/10 có cuộc họp của Heads of Nations (Những người đứng đầu tổ chức HR của các nước hội viên) do WFMPA tổ chức. Tham gia họp có 48 người, một số phóng viên, nhiếp ảnh gia và một số báo, đài. Cuộc họp được cựu Chủ tịch WFPMA điều hành với phong cách hài hước, rất ấn tượng. Khoảng ba phần tư đại diện tham dự họp là nam giới!
(Ảnh: Chị Mai Thu tham dự World HR Congress, Chile 2014)
Chiều 15/10 WHRC chính thức khai mạc. Khoảng 1.600 người tham dự, trong đó khoảng 600 người nước ngoài, 1.000 là người Chile. Họ không chỉ làm nghề sự, mà cả các ngành nghề liên quan khác và được tổ chức của họ trả 800USD tiền phí tham dự/người. Vài nước chỉ có một đại diện tham dự là Việt Nam, Hong Kong, Ấn Độ, Fiji. Số lượng đông như vậy nhưng công tác tổ chức rất tốt, kỹ thuật hỗ trợ với màn hình hiện đại và Gala Dinner 16/10 đã gây ấn tượng mạnh và tuyệt vời với tôi. Tôi ước mong một ngày không xa Việt Nam sẽ tổ chức được một đại hội như vậy ở Việt Nam. Đại diện của Đài Loan nói với tôi: “Thu ơi, chị phải tham gia đại hội HR quốc gia ở Mỹ, có 4.000 người tham dự, công tác tổ chức tuyệt vời!”. WHRC diễn ra đến hết 17/10. Phiên toàn thể mở đầu ở trong một hội trường lớn với 3 màn hình khổng lồ. Những ngày sau chia thành nhiều phòng nhỏ, với các chủ đề khác nhau, để mọi người tự chọn tham dự. Rất nhiều diễn giả rất ấn tượng. Nhưng ấn tượng nhất với tôi là trò chơi mở màn “Building an Identity” with Lego©Serious Play do hai facilitators của Lego dẫn dắt 1.600 người chơi cùng một lúc. Yêu cầu là mỗi người tự sáng tạo theo ý mình, xây hình tượng cho tổ chức HR của nước mình. Đó là một bài tập tại chỗ. (Tôi nhận ra là việc mình kiên định đề nghị HRA tổ chức tất cả 5 hội thảo hàng năm theo hình thức training workshops là đúng hướng, mặc dù có những thời điểm một số thành viên BĐH đã đề nghị theo hướng panel discussion). Nhiều hội viên và không phải hội viên HRA nói với tôi rằng training work shops làm nên thương hiệu của HRA. Tôi rất trân trọng và đặc biệt biết ơn Nguyễn Thị Nam Phương – Phó Chủ tịch HRA phụ trách chuyên môn và tất cả các thành viên BĐH, hội viên HRA đã vượt mọi khó khăn, trở ngại, dành biết bao tâm huyết, thời gian, trí tuệ cho rất nhiều training workshops, từ đào tạo đội ngũ facilitators trong quá trình chuẩn bị đến việc điều hành tại chỗ, trong nhiều năm và tiếp tục làm như vậy vì hội viên và vì người tham gia.
(Ảnh: Chị Mai Thu tham dự World HR Congress, Chile 2014)
Đêm 18/10/2014 (đúng ngày sinh nhật của mình) tôi rời khỏi Chile, sau khi đã tham dự thành công tốt đẹp APFHRM Annual Meeting và WHRC. Tuy mệt, nhưng rất hạnh phúc và thoải mái, tôi đã bắt đầu kỳ nghỉ phép của mình cùng con gái và con rể ở Mỹ. Hôm sau, từ nhà các con, tôi đã email gửi BĐH và toàn thể hội viên HRA, để báo cáo tóm tắt về chuyến đi Chile. Về Hà Nội, tôi đã báo cáo chi tiết hơn về chuyến đi cho toàn thể hội viên trong hội thảo định kỳ tiếp theo, nhưng không đầy đủ và chi tiết như bài viết này, vì các bạn biết đấy, hội thảo của HRA bao giờ cũng tính từng phút để giành thời gian cho chủ đề chính.
Tôi chưa có dịp chia sẻ hết hoặc viết chi tiết về 9 mốc quan trọng của mình trong 30 năm cùng HRC và HRA mà 17 năm được bầu làm Chủ tịch, vì ngại có thể bị hiểu lầm là mình kể công. Thế nhưng đề nghị của Nguyễn Thị Nam Phương (trong một bình luận dưới bài viết dự thi đầy tâm huyết của cô ấy, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập HRA trên facebook của Phương và của HRA) khiến tôi đã có động lực để tìm lại mọi thông tin lưu trữ của mình, nhớ lại những cảm xúc của tôi thời gian đó và các chi tiết liên quan, để viết bài này – “Nghèo cũng cho Tèo du học” thế nào. Mong rằng câu chuyện trên (chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện của vài chục thành viên BĐH HRA trong suốt 20 năm kể từ 2004 đến nay, phần lớn là chưa được kể vì chúng tôi chỉ thầm lặng cống hiến) sẽ là động lực lớn cho BĐH và hội viên HRA hiện tại, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch – thuyền trưởng Nguyễn Thị Bích Liên, cũng như cho các thế hệ BĐH và hội viên HRA tiếp theo, để phát huy tối đa khả năng và tiềm năng của mình, tiếp nối truyền thống của HRA. Tôi tin tưởng rằng tình yêu, tâm trí, công sức, sự bền bỉ của nhiều thế hệ BĐH và hội viên qua 30 năm đã xây đắp nên HRA hiện nay, sẽ luôn được các bạn trân quý và tiếp tục phát huy để chinh phục các đỉnh cao mới. Chúc cho tập thể HRA luôn phát triển tốt, song hành với APFHRM và WFPMA, đồng thời gìn giữ, phát huy các giá trị cốt lõi của mình một cách sáng tạo hơn, thông minh hơn, hiệu quả hơn nữa. Cầu và chúc cho HRA mãi là ngôi nhà chung tuyệt vời của những người làm nghề nhân sự Việt Nam, trên con đường cùng các đối tác đồng hành phát triển nguồn nhân lực Việt Nam sánh vai với các đồng nghiệp trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.