Ngôi nhà tôi sống khi học cuối cấp hai có một cái cầu thang rất hẹp và quanh co. Hôm ấy, mẹ tôi mua một cái tủ khá to. Bà không ở nhà, còn bố tôi hầu như đi vắng nên trách nhiệm chào đón chiếc tủ đương nhiên thuộc về tôi. Cùng với hai đứa bạn, loay hoay mãi, chúng tôi cũng đưa được cái tủ lên tầng hai. Tuy nhiên, trong một phút bất cẩn, tôi đã làm nứt cái gương của tủ.
Thời bao cấp, để thay tấm gương tủ là câu chuyện không nhỏ tý nào. Bàn với các bạn, tôi quyết định đổ lỗi cho cửa hàng đã làm vỡ gương trước khi giao cho chúng tôi.
Tuy có tranh cãi, nhưng cuối cùng người của cửa hàng cũng chịu bồi thường cho mẹ tôi. Chuyện tưởng đã xong với cái tủ, nhưng với tôi thì không. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không quên được ánh mắt của ông chủ cửa hàng nhìn tôi lúc ấy, nửa như khinh bỉ nửa như thương hại. Chính vì ánh mắt ấy, sau một tuần day dứt, tôi đã thú nhận với mẹ. Bà rất nhẹ nhàng bảo với tôi rằng, thật ra bà đã biết ngay từ đầu thủ phạm làm vỡ gương là ai và đã trả thêm tiền để làm lại cái gương ấy.
“Lẽ ra con chỉ việc nhận và đưa ra lời xin lỗi, mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp”, mẹ tôi nói. Tôi lẳng lặng đi tìm ông chủ cửa hàng và tối về, chui vào lòng mẹ thì thầm thêm một lời xin lỗi nữa.
Xin lỗi là từ mà ai cũng sử dụng, tuy nhiên nhiều khi nó được chúng ta thốt ra trong các hoàn cảnh không nhất thiết cần lời xin lỗi. Chúng ta thường quan niệm “tránh voi chẳng xấu mặt nào” hay “dĩ hoà vi quý” nên dùng từ “xin lỗi” một cách rất dễ dàng. Dễ đến nỗi những người được ta xin lỗi sẽ thấy chẳng thật tâm, không chân thành vì hai lẽ. Thứ nhất là sau câu xin lỗi bao giờ cũng kèm với từ “nhưng mà vì …” hàm ý như lời đổ lỗi cho yếu tố khách quan nào đó; thứ hai là xin lỗi xong, nhiều người vẫn tái phạm, thậm chí ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Chính vì vậy, lời xin lỗi chân thành nhiều khi rất khó nói, còn lời xin lỗi dễ dãi lại khó được trân trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Xin lỗi là nhận khuyết điểm của mình và đề nghị được miễn thứ, tuy nhiên xin lỗi cũng dùng để tỏ ra lễ độ như “xin lỗi chị, cho hỏi sư tử Hà Đông là con gì vậy?”. Thông thường, lời xin lỗi với ý xin được phiền người khác như vậy ở các ngôn ngữ phương Tây được sử dụng những từ phát âm khác hoàn toàn như “excuse” trong tiếng Anh, “pardonner” trong tiếng Pháp. Tiếng Việt cũng có một số từ tương tự như “làm phiền bạn”, “tôi lấy làm tiếc”, nhưng khi sử dụng khá dài dòng và gây cảm giác khách sáo nên ít được dùng. Chúng ta dùng chung từ “xin lỗi” trong gần như mọi hoàn cảnh, điều này làm giá trị của nó thay đổi rất nhiều trong các ngữ cảnh khác nhau.
Tuy nhiên có một điều rất lạ là trong công việc, đặc biệt trong công sở nhà nước, lời xin lỗi lại rất khó được nói ra từ các vị lãnh đạo. Rất hiếm khi các nhân viên được nghe thấy vị trưởng phòng của mình nói câu xin lỗi.
Có lẽ với nhiều vị, nói lời xin lỗi với cấp dưới dường như khiến họ cảm thấy mình đã thất bại hoặc đã sai hoàn toàn, như sự thừa nhận không còn khả năng lãnh đạo tập thể ấy nữa. Tôi nhớ một câu của nhà văn Harriet Lerner trong cuốn sách “Vì sao bạn không xin lỗi?”: “Con người vốn có tính phòng ngự cố hữu rất khó sửa đổi. Để tự bản thân trực tiếp chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình, thực sự là khó khăn”. Trong xã hội Việt Nam, điều này còn trở nên khó khăn hơn khi nhiều người có thói quen đổ lỗi cho tập thể.
Nhiều lãnh đạo khi phát biểu thường sử dụng cụm từ “chúng tôi” thay vì “tôi” trong bài phát biểu của mình. Tôi nghĩ “chúng tôi xin lỗi” nghe còn chán hơn câu xin lỗi của mấy ông chồng say xỉn về muộn. Xin lỗi chỉ để mà xin lỗi. Khi mà người đứng đầu không dám nhận trách nhiệm về mình một cách thẳng thắn thì lời xin lỗi chắc sẽ rất khó để đưa ra hoặc được đưa ra khi đã quá muộn.
Trong thời gian qua, rất nhiều vụ việc xuất phát nhỏ nhưng đã trở nên hết sức nghiêm trọng, gây bất bình xã hội, chỉ vì lời xin lỗi đưa ra quá muộn. Với tâm lý sợ trách nhiệm, coi thường dư luận, những người có chức quyền thường luôn tìm mọi cách “ỉm” việc ấy đi hoặc đánh lạc hướng dư luận rồi “để lâu cứt trâu hoá bùn”. Họ luôn bám vào một, hai lý lẽ có thể mình đúng để biện minh những cái sai rõ ràng không tài nào chối cãi được. Xã hội sẽ phát triển lành mạnh được không khi việc dù rất nhỏ cũng cần “thủ tướng yêu cầu chỉ đạo làm rõ”, rồi mới tới người trực tiếp có trách nhiệm xin lỗi nhận khuyết điểm, đôi khi còn khá miễn cưỡng.
Nhìn sang nước Nhật, một đất nước mà người dân có lòng tự trọng rất cao nhưng văn hoá nhận trách nhiệm và sẵn sàng xin lỗi khi làm sai cũng là một “đặc sản” để họ có được thành tựu như hôm nay. Riêng trong năm 2018, Thủ tướng Nhật đã lên tiếng xin lỗi trước nhân dân không dưới ba lần vì những lỗi rất gián tiếp như nền kinh tế phát triển không như kỳ vọng, một người bạn của vợ mua được đất công rẻ, hay về thái độ phi thể thao của đội tuyển bóng đá Nhật Bản.
Tôi mong những lời xin lỗi không thật tâm từ những người có trọng trách sẽ ngày càng giảm đi. Vì lời xin lỗi sẽ trở nên tầm thường nếu bị lạm dụng, hay “xin lỗi” để lấp liếm mâu thuẫn chưa được giải quyết (và mâu thuẫn sẽ vẫn nằm đó) hoặc để lấy sự thương hại, xí xóa bỏ qua, thậm chí để thao túng người khác.
Ngược lại, những lời xin lỗi chân thành được đưa ra nhanh chóng vào đúng thời điểm từ những người có trách nhiệm là văn minh lãnh đạo và động lực rất cần thiết lúc này để xã hội Việt Nam thay đổi tích cực.
Cần rất nhiều can đảm để có thể nói ra lời xin lỗi.
Nguồn: vnexpress.net