[PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC – ĐÁP ỨNG TƯƠNG LAI] – Phần 5: Tips Phát triển tổ chức – Làm thế nào để thực hiện OD thành công (25/09/2021)

Anh Chị thân mến, trong các số OD từ phần 1 đến phần 4, chúng ta đã lần lượt đi qua hành trình thú vị từ bỡ ngỡ đầu tiên tìm hiểu OD là gì, có những mô hình nào để thực hiện, cho đến hiểu sâu sắc vai trò của nhà lãnh đạo quan trọng như thế nào với sự thành bại của OD cũng như chiến lược hoạch định triển khai OD trong doanh nghiệp. Với bài OD phần 5 này, xin mời các Anh Chị khám phá những kinh nghiệm thực tiễn quý báu từ các chuyên gia có kinh nghiệm thực hiện OD thành công trên thế giới, cùng lắng nghe xem họ chia sẻ điều gì thú vị nhé.

“Khi nói đến việc thực hiện chuyển đổi, phát triển tổ chức hiệu quả, tất cả chúng ta đều có thể sử dụng đến một quyền đó gọi là “quyền trợ giúp”. Vì vậy, chúng tôi đã kêu gọi 20 chuyên gia OD từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ lời khuyên về cách vượt qua những thách thức chung, thực hiện thay đổi hiệu quả, cách đo lường thành công cũng như bài học nào tốt nhất dành cho các nhà quản trị thay đổi, người dẫn dắt và tư vấn OD khi thực hiện OD”.

1. Chia sẻ của Sara Coene, Người sáng lập The Change Designers

Thách thức lớn nhất trong một sáng kiến ​​thay đổi & chuyển đổi là gì?

Hãy bắt đầu bằng sự kiểm soát. “Sự thay đổi – Change” là điều chúng ta không thể quản trị được một cách chặt chẽ với các kế hoạch dài hạn và những danh sách kiểm tra dày đặc. Thay vì đưa ra một giải pháp cố định 100% áp dụng vào tổ chức, chúng ta cần đặt chính mình và mọi người vào trọng tâm của sự thay đổi một lần nữa và lắng nghe những mong muốn và nhu cầu thực sự của họ.

Cách thực hiện sự thay đổi tổ chức hiệu quả nhất là gì?

Sự kết hợp giữa việc lấy con người làm trọng tâm, cùng nhau sáng tạo và theo sau đó là chuỗi hành động nhanh nhẹn, nhạy bén.

Làm thế nào để đo lường thành công của một sáng kiến/​​thay đổi?

Đây không chỉ đơn thuần là một thước đo, để đo lường thành công cho một sáng kiến thay đổi phát triển tổ chức phụ thuộc vào loại thay đổi như thế nào. Tuy nhiên, tựu chung lại chúng ta có thể đo trên sự chấp nhận của người dùng (số người đang sử dụng một giải pháp mới hoặc làm những việc khác nhau) và các tác động đến tình hình kinh doanh/văn hóa tổ chức (kết quả đo lường được và chỉ số gắn kết nhân viên).

Lời khuyên tốt nhất giúp cho những người dẫn dắt sự thay đổi tổ chức thành công là gì?

Hãy rõ ràng và tập trung vào mục tiêu bạn muốn đến, nhưng hãy luôn linh hoạt, nhạy bén trong cách thực hiện và như vậy bạn sẽ được mọi người đồng hành cùng mình trong chuyến đi để đến mục tiêu này.

 

2. Chia sẻ của Gustavo Razzetti, Giám đốc điều hành và nhà sáng lập của Liberationist

Thách thức lớn nhất cho sự chuyển đổi là gì?

Để những nhà lãnh đạo, những người đứng đầu tổ chức phải thừa nhận rằng bản thân họ cũng cần phải thay đổi và điều chỉnh lại hành vi của mình chứ không chỉ riêng nhân viên/thành viên trong tổ chức.

Cách hiệu quả nhất để thực hiện thay đổi là gì?

Việc thay đổi phải đến từ ý thức của mỗi người, nó không thể bị áp đặt bởi các nhà lãnh đạo. Cách tốt nhất để thúc đẩy là nhận thức rõ được vị trí của bản thân. Giúp mọi người hiểu được cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của họ – cả những thứ hữu ích và những thứ cản trở họ. Làm việc với nhóm để phát hiện ra cả điểm còn thiếu sót của cá nhân và tập thể. Hình thành nên sự gắn kết thông qua ngôn ngữ chia sẻ và cùng hướng tới mục đích của nhóm, những điều mà mọi người đều mong muốn sẽ đạt được. Hãy biến nó thành mục tiêu mang tính chất nhân văn, thân thiện, vui vẻ và thú vị – biến thay đổi thành một thử thách cá nhân chứ không phải thành một thứ gì đó nhàm chán, áp đặt hoặc đe dọa. Về cơ bản, hãy thay đổi suy nghĩ từ “Tôi phải” thành “Tôi muốn” thay đổi.

Làm thế nào để có thể đo lường thành công của sự thay đổi?

Nhìn chung, làm thế nào để mọi người chấp nhận một tư duy mới – thử nghiệm hơn, sẵn sàng chấp nhận những tổn thương để thích nghi hơn, cởi mở hơn với thay đổi. Ngoài ra, đối với mỗi dự án, tùy thuộc vào các hành vi mà chúng tôi muốn kích hoạt hoặc tăng tốc, chúng tôi theo dõi cách mỗi nhóm áp dụng các hành vi đó.

Bạn có lời khuyên gì để sự thay đổi được thành công?

Hướng đến chiều sâu thay vì chiều rộng. Việc 10% tổ chức tin tưởng 100% vào định hướng mới sẽ tốt hơn là việc cả 100% tổ chức tin tưởng chỉ 10% vào định hướng đó.

 

Trên đây là một số kinh nghiệm quý báu đến từ 2 chuyên gia về OD, hãy cùng chúng tôi phiêu lưu trong hành trình OD của 20 chuyên gia trên thế giới theo link dưới đây nhé:

https://www.howspace.com/resources/organizational-development-tips (Nguồn tham khảo).

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận