Toàn ngành LĐ-TBXH phấn đấu triển khai nhiệm vụ của Ngành với tinh thần quyết liệt, hiệu quả đồng thời tạo ra những bứt phá mới (04/04/2019)

Năm 2018, nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, có tiến bộ so với năm 2017; đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà Bộ đã đề ra trong Chương trình công tác. Đánh giá trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của ngành diễn ra sáng nay 18/1/2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung; các Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Lê Quân, Nguyễn Thị Hà và Lê Tấn Dũng cùng Đại diện các Bộ, ban ngành; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành và lãnh đạo Sở LĐ-TBXH các địa phương tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương ghi nhận những kết quả toàn diện, rõ nét của toàn ngành LĐ-TBXH đã góp phần rất quan trọng cùng với Chính phủ thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức những chỉ tiêu của năm 2018. Trong đó có rất nhiều lĩnh vực được đóng góp trực tiếp và gián tiếp của ngành LĐ-TBXH. Nhân sự kiện này, Phó Thủ tướng cảm ơn Mặt trận tổ quốc cùng các tổ chức, các cấp chính quyền đã luôn sát cánh cùng với Bộ LĐ-TBXH trong các lĩnh vực trong phạm vị quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TBXH để đạt được những kết quả đáng ghi nhận …

Về giáo dục nghề nghiệp, nhìn kỹ các số liệu có thể nói đây là tiến bộ vượt bậc, từ năm 2013 – 2016, nhiều trường nghề không tuyển sinh được, nhưng bắt đầu từ năm 2017, chỉ tiêu tuyển sinh của khối giáo dục nghề nghiệp đạt 100%, năm nay vượt được 0.5%. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ phải làm trong thời gian tới đó là vấn đề lao động, câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực, thách thức của cuộc Cánh mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều thách thức nhưng chủ chốt nhất là nguồn nhân lực, cơ cấu lao động, thực ra số lao động có bằng cấp của chúng ta còn quá thấp. Phó Thủ tướng lưu ý cần xác định mốc làm sao để tăng nhanh tỷ lệ này trong những năm tới, phải làm rất nhiều việc như sửa luật, xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động… Phó Thủ tướng đề nghị Bộ cần hoàn thiện những khâu cuối cùng về tự chủ cho các trường giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước. Đồng thời vận dụng chương trình mục tiêu, các chính sách nhằm đảm bảo phân bổ nguồn cho đào tạo lao động nông thôn trong thời gian tới…

Về việc làm, Phó Thủ tướng đánh giá cao về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài khi chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tốt lên tại rất nhiều thị trường tốt như Nhật Bản, Đài Loan…và những thị trường có nhu cầu lớn, bên cạnh đó, những nghề lao động thủ công đang giảm đi, vậy làm sao để chuẩn bị cho những lao động có tay nghề cao để đáp ứng được nhu cầu của các thị trường khó nhất và có yêu cầu cao nhất. Năm 2019, Bộ cần tìm phương pháp để cung cấp kết nối lao động khi trở về nước với các nhà tuyển dụng…  đồng thời cần cải thiện môi trường kinh doanh thu hút đầu tư, chuyển dịch lao động…Phó Thủ tướng cũng gợi ý một số giải pháp về ứng dụng Công nghệ Thông tin vào công tác việc làm, kết nối cung cầu lao động trong thời gian tới…

Về công tác chăm lo cho người có công, với truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, năm vừa qua, cơ sở dữ liệu về nghĩa trang các liệt sĩ, được Bộ triển khai là rất tốt, cùng với đó các chính sách bảo trợ cho người già cô đơn, người khuyết tật đã được các cấp, các ngành dành nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết, rất nhiều trung tâm bảo trợ còn nhiều khó khăn, huy động xã hội hóa đầu tư còn nhiều hạn chế. Do vậy, năm 2019 Bộ LĐ-TBXH cần tìm cách để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực này.

Về an sinh xã hội, Phó Thủ tướng kỳ vọng các địa phương quyết tâm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu được giao, ngành bảo hiểm xã hội một mặt phát triển bảo hiểm tự nguyện, từ kinh nghiệm phát triển bảo hiểm y tế, tới bảo hiểm xã hội tự nguyện, nâng cao nhận thức người dân, để chuyển thói quen của người dân là tự mình tiết kiệm cho mình, để người dân hiểu được tham gia bảo hiểm là hình thức tiết kiệm mới mang tính cộng đồng và rất văn minh.

Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ LĐ-TBXH cùng các Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp nghiên cứu triển khai  thẻ an sinh xã hội tích hợp toàn bộ thông tin của ngành mình. Phó Thủ tướng cho rằng ngành LĐ-TBXH có tính phối hợp dọc ngang với các bộ ngành và các tổ chức đoàn thể nhiều nhất.

Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ LĐ-TBXH phải cố gắng nỗ lực để năm nay hơn năm trước, tìm ra một số điểm chỉ đạo trọng tâm để bứt phá trong năm 2019 và tạo tiền đề cho những năm sau…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu kết luận Hội nghị

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tiếp thu những ý kiến Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ LĐ-TBXH sẽ tập trung cụ thể hóa những nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng vào Nghị quyết của Ngành để triển khai trong thời gian sớm nhất với tinh thần quyết liệt, hiệu quả, tạo ra những bứt phá mới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết năm 2018, Bộ LĐ-TBXH đã đặt nền móng rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là 3 đột phá chúng ta đã đặt ra. Kết quả đáng kể nhất chính là 03 chỉ tiêu quốc gia được Quốc hội và Chính Phủ giao cho ngành thường trực đều được hoàn thành vượt mức đề ra đặc biệt là những chỉ tiêu về việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, và giảm nghèo; Ba khâu đột phá về thể chế, giáo dục nghề nghiệp và lĩnh vực người có công thực sự đã đem lại dấu ấn tích cực trên tất cả các mảng. Tuy nhiên nhìn lại bức tranh toàn cảnh vẫn còn nhiều vấn đề còn gây nhiều bức xúc như bạo lực trẻ em,buôn bán phụ nữ, buôn bán ma túy …

Năm 2019, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của  Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, theo tinh thần Nghị quyết 01; 02 của Chính phủ, Bộ trưởng đề nghị các khối của cơ quan quản lý nhà nước, các cục, vụ, các địa phương trên cơ sở định hướng của Bộ và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tập trung cụ thể hóa chương trình hành động của cơ quan và đơn vị mình làm sao để cụ thể theo tinh thần chỉ đạo củaTổng Bí thư và Chính phủ là “năm 2019 phải hơn năm 2018”, xác định cho rõ hơn ở lĩnh vực nào, nội dung nào, một là phải chuyển động toàn diện, hai là phải có lĩnh vực đột phá và tạo ra cái mới. Toàn ngành LĐ-TBXH năm 2019 triển khai đồng bộ 14 nội dung nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên sẽ lựa chọn 3 vấn đề thiết yếu nhất. đó là:

Thứ nhất, tập trung xây dựng thể chế, trong đó quan tâm tới hoàn thành chiến lược an sinh trong 10 năm tới, với tư duy đột phá, hướng tới một xã hội mọi người đều được hưởng quyền an sinh; Tập trung cao độ cho việc sửa đổi, trình lên Quốc hội Bộ luật Lao động sửa đổi, chủ động từ tuyên truyền, đánh giá những tác động và ra những chính sách, Bộ LĐ-TBXH sẽ trình Pháp lệnh về Người có công, trình sửa đổi Luật đưa người lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài có hợp đồng. Đây là một việc rất quan trọng trong thể chế. Đồng thời phấn đấu thực hiện ước tính 300 nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ đặc biệt Thủ tướng Chính phủ giao, với tinh thần đảm bảo không nhiệm vụ nào xin rút, xin lùi, không đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Thứ hai, tiếp tục đột phá mạnh vào thị trường lao động, tạo sự chuyển động thật sự trong thị trường lao động, tạo thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh ở 3 việc, 1 là tạo việc làm mới, phấn đấu đạt mức 1, 64 triệu người so với năm 2018, tạo sự dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, giữ được tỷ lệ người có trình độ đại học cao đẳng thất nghiệp giảm hơn nữa.

Thứ ba, tiếp tục tập trung cao độ cho Giáo dục nghề nghiệp, coi đây là một khâu đặc biệt quan trọng như Phó Thủ tướng chỉ đạo với cách làm mới phấn đấu số người học cao đẳng, trung cấp nghề tăng lên, đảm bảo sau khi ra trường có việc làm, có thu nhập, chuyển sang đặt hàng như thế nào, kết nối doanh nghiệp ra sao, … tập trung vào những ngành nghề nhu cầu xã hội đang cần… dự báo được những ngành nghề có nhu cầu cao , chuyển đổi mô hình đào tạo…

Quang cảnh Hội nghị

Tại sự kiện này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm về việc sang đầu năm mới, Bộ LĐ-TBXH sẽ tổ chức 2 Hội nghị toàn quốc, một Hội nghị thu hút toàn bộ các trường cao đẳng và trung cấp nghề cả nước để bàn về nội dung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc, và Hội nghị về vấn đề đưa người lao động đi làm tại nước ngoài với một cách làm mới, đòi hỏi chất lượng cao hơn, thị trường cũng đòi hỏi đáp ứng yêu cầu cao hơn…

Thứ tư, về những vấn đề còn bức xúc trong lĩnh vực Trẻ em, Bộ trưởng đề nghị các địa phương bám sát chương trình hành động đã được Bộ LĐ-TBXH ban hành để thực hiện, tổ chức đảm bảo tiến độ,…. Về các cơ sở cai nghiện, hiện nay cả nước có hơn 100 cơ sở cai nghiện và 240.000 người nghiện ma túy, con số này mới chỉ là số người có hồ sơ, thực tế cao hơn nhiều, nhưng điều đáng quan tâm là số người nghiện ma túy đá, số người có tiền án tiền sự, số người trẻ tăng lên. Bộ trưởng đề nghị các các địa phương cần bố trí ngân sách, nhưng không được cắt giảm kinh phí đào tạo nghề, kinh phí đầu tư, nâng cấp cơ sở điều trị ma túy, kinh phí đầu tư cho quản lý nhà nước về trẻ em; do đó Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần đặc biệt quan tâm cho các vấn đề này để đảm bảo bình ổn, bình yên xã hội để kinh tế phát triển, đầu tư cho xã hội chính là đầu tư bền vững…

Thứ năm, tập trung cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, để tạo chuyển biến đồng bộ và từng bước, ngành LĐ-TBXH cũng phải làm việc chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn, khoa học hơn.  Với cách làm vậy, Bộ trưởng tin tưởng năm 2019 Bộ sẽ chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển biến mới.

Nhân dịp tết sắp tới, Bộ trưởng kêu gọi mọi cá nhân tổ chức quan tâm tới các gia đình chính sách, người nghèo, đối tượng bảo trợ để đảm bảo  ai cũng có Tết đầm ấm, vui tươi. Điều quan trọng là đảm bảo tết xong thị trường lao động ổn định, không để tình trạng thiếu việc làm, thiếu hụt lao động sau tết.

Nguồn:molisa.gov.vn

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận